Giữ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng với khu VI, với tỉnh, tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước, giải phóng quê hương, Đảng bộ Hàm Thuận trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thuận 1968 đã huy động toàn bộ sức lực, vật chất, tinh thần và ý chí cùng các lực lượng tỉnh, khu VI tham gia các đợt tiến công đánh địch.
Đến cuối năm 1967, lượng chính trị, quân sự ta đã lớn mạnh, tích cực chuẩn bị tham gia đợt Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 theo lệnh của Trung ương, cũng là nỗi niềm khát khao giải phóng quê hương của Nhân dân Hàm Thuận. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh, tháng 11/1967, Đảng bộ Hàm Thuận, Thuận Phong quán triệt Nghị quyết của Tỉnh, tăng cường cán bộ cho Huyện đội và cơ sở để xây dựng lực lượng, phong trào... Cuối năm 1967, ở vùng ta kiểm soát, địch tiếp tục đánh phá căng thẳng nhưng chiến thuật “Trực thăng vận” đã giảm, sức kiềm kẹp của địch trong các ấp chiến lược lỏng dần, nên hoạt động của ta thuận lợi hơn, ta đã tìm được cách đánh hiệu quả, gây tổn thất nặng cho địch. Đây là tiền đề để Quân, Dân huyện có thể tích cực góp phần vào Tổng tấn công mùa Xuân Mậu Thân, năm 1968.
Để chuẩn bị tham gia tổng tấn công, nổi dậy, Quân, Dân huyện Hàm Thuận, Thuận Phong khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ như điều tra các mục tiêu, vẽ sơ đồ một số nơi của địch; tập kết vũ khí, vật chất hậu cần phục vụ chiến dịch; vận động cốt cán ở các xã ven Phan Thiết khẩn trương đào hầm, tiếp đón bộ đội; len lỏi mua thuốc, gói bông, đổi vàng ra tiền mua hàng hóa cần thiết. Nhờ vậy, đã làm tốt vai trò hậu cần Nhân dân, hậu cần tại chỗ.
Những ngày đầu Xuân 1968, cán bộ Dân Quân chính Đảng huyện Hàm Thuận, Thuận Phong được phát động với tinh thần quyết tâm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, tất cả áp sát ra Đường 1, Đường 8. Cả học sinh của trường thiếu sinh quân của Khu VI, du kích các xã căn cứ được huy động xuống chiến trường. Riêng du kích xã Hàm Liêm được huyện điều 1 trung đội bổ sung quân số hình thành C3/430. Hàng trăm nam nữ thanh niên được điều động vào chiến dịch, đi liên lạc, dân công hỏa tuyến. Các má, các chị lo chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Quân, Dân huyện vừa phục vụ hậu cần, dân công hỏa tuyến, liên lạc… vừa phục vụ cho các lực lượng đánh vô Phan Thiết; tham gia bao vây áp sát, cô lập các chi khu quận lỵ, các đồn bót; giải phóng và làm chủ các tuyến đường, nhất là các xã ven Phan Thiết để lực lượng trên làm bàn đạp đứng chân và sẵn sàng bổ sung lực lượng cho Tỉnh. Ta phát động quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Khi quân ta tiến công Phan Thiết đợt một (từ ngày 01/1- 9/2 âm lịch), Quân, Dân Thuận Phong áp sát Đường 1, đồng chí Nguyễn Minh Quyết chỉ huy đơn vị 450 áp sát Phú Long, Phước Thiện Xuân, đánh đồn cầu Quan bảo vệ bến đò chợ Dinh để bảo vệ an toàn cho cánh quân thứ nhất của chiến dịch vào Phan Thiết. Ngày 2/2, địch điều quân vào cứu nguy cho Tiểu khu Bình Thuận, nhưng bị bộ đội địa phương và du kích Hàm Đức, Hàm Nhơn, Hàm Thắng chặn đánh từ Tùy Hòa đến Cầu Sở Muối.
Ở Hàm Thuận, Đơn vị 430 cùng du kích các xã Hàm Phú, Hàm Trí đánh lực lượng dân vệ ở ấp 18 (Ma Lâm) diệt một tiểu đội, phát động quần chúng làm chủ khu vực này. Du kích xã Hàm Thạnh đánh lực lượng dân vệ ở ấp Văn Phong, bao vây uy hiếp Mương Mán, Ngã Hai. Du kích xã Hàm Tiến, Hàm Phong bao vây đồn Bàu Gia.
Vào đợt hai tấn công Phan Thiết (từ ngày 18 - 28/02 âm lịch) Quân, Dân toàn huyện nhận thêm những nhiệm vụ lớn. Đại đội 3/430 phải tăng cường cùng cánh quân của Tỉnh đánh vào Chợ Gò, Bình Lâm, bộ phận còn lại cùng du kích các xã, đội công tác mảng Đường 8 bao vây uy hiếp Chi khu Thiện Giáo. Du kích các xã Hàm Chính, Hàm Phú, Hàm Trí diệt bót cầu Móng, phá sập cầu Sông Trao, làm chủ từ Cầu Sen đến An Phú, bao vây đồn Bình Lâm, Bình An. Du kích và đội công tác xã Hàm Hưng đánh phá tấn công địch ở Hàm Hưng.
Đầu tháng 3, lần thứ hai ta tấn công Phú Long, Tiểu đoàn 840 được phân công mũi chính đánh vào Phú Long, Tiểu đoàn 482 phục kích chận viện từ ngã tư Lại An xuống cầu Bến Lội, Quân, Dân trong huyện phục vụ hậu cần và dân công. Ngày 11/3, Tiểu đoàn 840 tập kích vào mục tiêu, sau đó phát triển chiếm Phú Long, Phước Thiện Xuân. Trong khi đó một bộ phận của Tiểu đoàn 482 và du kích, đội công tác đánh vào trụ sở xã Lại An, thu đạn dược chở đầy 2 xe lam. Nhân dân nổi dậy đốt rào, truy quét tề vệ ác ôn. Ngày 13/3, địch tung lực lượng từ Phan Thiết lên giải tỏa nhưng bị Tiểu đoàn 482 chặn đánh thiệt hại nặng. Địch bất lực dùng bom, pháo hủy diệt phố xá, đền chùa, nhà thờ, 12 người dân chết (có 2 nữ tu sĩ nhà thờ Kim Ngọc).
Phong trào nổi dậy hưởng ứng của Nhân dân Hàm Thuận, Thuận Phong khá sôi nổi và đều khắp. Nhiều cụ già, thiếu niên hừng hực khí thế đi tiếp tế, liên lạc, tải thương, tải đạn… Khu vực Tam Giác, vùng ven Phan Thiết bà con chủ động ghép thành tổ, toán góp lương thực, nấu cơm nuôi bộ đội, nhờ đó chiến sĩ ta ngoài có cơm còn có bánh cốm hương vị ngày Xuân. Nhiều thanh thiếu niên tự nguyện vào các đội cứu thương, vượt bom đạn địch vào tận nơi bộ đội chiến đấu để đưa thương binh ra cứu chữa. Một số gia đình mưu trí nuôi giấu thương binh bị lạc.
Hàm Thắng là một trong nhiều xã có thành tích nổi bật trong mùa Xuân lịch sử này. Má Nguyễn Thị Hạnh cơ sở quân báo cung cấp kịp thời tình hình địch. Má Trần Thị Giác có sáng kiến cột con trâu mới đẻ ham con gần đống rơm để dọa địch không dám đến gần, nhằm che giấu an toàn cho một thương binh đang ẩn náu trong ấy. Chị Lê Thị Minh chăm sóc một thương binh đến hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. 05 nữ thanh niên Kim Bình tự nguyện đi liên lạc hợp pháp cho bộ đội trong những ngày tấn công Phan Thiết, sau đó các chị thoát ly thành chiến sĩ của lực lượng vũ trang.
Người dân nổi dậy hỗ trợ cho cuộc tấn công. Ngày 05/2, hơn 100 phụ nữ ở Hàm Thắng, thôn Tân Điền (Hàm Liêm) phối hợp từ Tân Điền theo tỉnh lộ 8 tiến lên Ma lâm đấu tranh chính trị, nhưng đến cầu Liêm bị địch chặn, bắn làm bị thương 1 số người, cuộc biểu tình phải dừng lại. Cùng thời gian này, có khoảng 150 phụ nữ các xã: Hồng Thanh, Hồng Trung, Hồng Liêm, Hồng Sơn tập trung về Hồng Sơn, hàng ngũ chỉnh tề với băng cờ khẩu hiệu tiến về Phan Thiết; khi đến đồng ruộng động Bà Hoè, bị địch chặn lại, đành quay về Xa Ra làm míttinh.
Hơn 50 ngày đêm tiến công và nổi dậy trong Xuân Mậu Thân (từ 31/01 đến 23/3/1968) là quá trình liên tục tấn công, liên tục chiến đấu, biểu hiện rõ tinh thần hy sinh cống hiến lớn lao của Quân, Dân huyện vì độc lập tự do, giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam! Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Dù chưa đạt mục đích là giải phóng hoàn toàn Hàm Thuận, Phan Thiết nhưng ta đã tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng làm chủ nhiều vùng nông thôn, làm lung lạc ý chí, tinh thần của địch. Trong mùa Xuân lịch sử này, Quân, Dân Hàm Thuận, Thuận Phong đã thể hiện rõ vai trò, đóng góp lịch sử, tham gia phối hợp giữa tiến công và nổi dậy, làm tròn nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, hậu phương trực tiếp cho chiến dịch, đồng thời đã bao vây bức rút nhiều đồn bót, làm chủ huyện gần 2 tháng.
Nhìn lại quá trình tham gia cuộc Tổng tiến công, đó như là phép thử về kết quả quá trình xây dựng, chuẩn bị lực lượng Quân và Dân huyện dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Đảng bộ huyện; cũng như sức chịu đựng, ý chí bền gan chiến đấu, lòng quyết tâm giải phóng quê hương của cán bộ, đảng viên và Quân, Dân Hàm Thuận, Thuận Phong. Phát huy tinh thần vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tất cả vì sự nghiệp giải phóng quê hương của Đảng bộ và Quân, Dân Hàm Thuận trong Xuân Mậu Thân năm 1968, Đảng bộ và Nhân dân Hàm Thuận Bắc hôm nay quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra; trước mắt nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2018; chăm lo cho dân đón Xuân, vui Tết Mậu Tuất năm 2018 an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, vui tươi./.